Thành công là một hành trình khám phá và trải nghiệm chứ không phải đích đến
“Thành công vốn không phải là một đích đến mà chính là một hành trình” (Moravia). Có nhiều con đường đến với thành công, và ngay cả khái niệm thành công vốn cũng khác nhau trong quan niệm của mỗi người. Vậy “thành công” liệu có phải một điểm dừng chân, một đích đến hay không? Hãy cùng bình luận cụ thể cho bài văn nghị luận xã hội về sự thành công.
Trong cuộc sống, mỗi người đều muốn đạt được những mục ích nhất định. Có người cho rằng một cuộc sống bình dị hạnh phúc an nhiên là thành công. Những có người lại cho rằng thành công chính là có được sự nghiệp to lớn, thành đạt với một cơ ngơi tài sản khổng lồ. Cũng có người cho rằng thành công chỉ đơn giản là được sống là chính mình. Mỗi người đều có những định nghĩa riêng về thành công và xây dựng cho mình những tiêu chuẩn riêng để đo lường thành công của bản thân.
Tuy thành công phụ thuộc vào quan điểm cá nhân nhưng gói gọn lại những khái niệm thành công ấy đều có nét chung nhất định. Thành công chính là khi con người có được, đạt được điều gì đó mà bản thân ước mơ bằng chính mình và được công nhận cùng đó cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn. Thành công xuất hiện trên rất nhiều phương diện, thành công trong công việc, thành công trong học tập, thành công khi xây dựng được hạnh phúc, tình yêu…
Có thể nói, sự thành công được xem như trọng tâm của cuộc sống, đó là lý do để họ có thể sống. Có thành công, đạt được thành công thì con người mới thực sự sống có ý nghĩa. Có được thành công thì họ như có cả thế giới, có thành công họ mới có thể đứng lên và tiếp tục phấn đấu cho cuộc sống, cho con người và cho xã hội.
Và dường như, sự thành công chính là điều mà cả xã hội luôn hướng đến. Bản thân mỗi người phải cho mình một ước mơ, một mục đích sống và phải cố gắng để thực hiện ước mơ thành hiện thực, đó là thành công. Người nghèo cố gắng làm lụm thay đổi được số phận, đó là thành công. Học sinh phấn đấu học tập đạt được danh hiệu mà mình ước mong, đó cũng là thành công. Sự cần cù, chăm chỉ của sinh viên đại học mới vừa tốt nghiệp khiến cho họ có được những thành tích tiêu biểu trong công việc, đó là thành công. Con người khi tìm được hạnh phúc, tình yêu mà mình mong muốn, đó là thành công. Và còn rất nhiều những sự thành công khác nhau được thể hiện trên rất nhiều phương diện khác nhau…
Khi nhắc đến thành công, người ta không thể không nhắc đến thất bại. Bill Gates từng cho rằng: “Ăn mừng thành công cũng tốt, nhưng quan trọng hơn là phải biết chú ý đến những bài học của sự thất bại”. Thật vậy, có thất bại thì mới có thành công, con người không chỉ nhìn nhận trên sự thành công, mà còn phải nhìn nhận song song với thất bại. Đó mới chính là bước đệm để đưa con người đến những vùng trời thành công to lớn và vĩ đại hơn nữa.
Vì vậy sự thành công không thể dễ dàng có được, mà nó phải là cả quá trình từ ước mơ, nghị lực, cho đến sự trải nghiệm, thất bại, đứng dậy và khắc phục, phấn đấu, cuối cùng mới là sự thành công. Thành công mang ý nghĩa to lớn và nó thực sự quan trọng đối với cuộc sống, xã hội mà con người con cần phải biết và thực hiện.
Thành công có vai trò quan trọng và ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của chúng ta. Khi con người đạt được thành công, là lúc họ hạnh phúc nhất và cũng là lúc họ cảm thấy sự tồn tại của bản thân trong xã hội là đúng, đó cũng chính là lý do khiến họ có thể tiếp tục sống và phấn đấu. Thành công khiến con người vui vẻ, hạnh phúc và được nhiều người tôn trọng đồng thời có thể xây dựng nhiều mối quan hệ tốt trong xã hội.
Ngoài ra, sự thành công cũng chính là đánh dấu sự trưởng thành trên nhiều phương diện của một con người. Mỗi lần họ thành công, chính là mỗi lần họ trưởng thành. Mỗi lần họ thành công, là một điều quý báu được chính bản thân họ khám phá và lưu giữ. Mỗi lần thành công là một cuộc hành trình, một chuyến đi gian nan nhưng đầy thú vị, đầy kinh nghiệm, cũng là một thế giới mới đã mở ra và đến với họ.
Thành công còn là sự mở rộng hiểu biết, nhận thức cho con người về chính mình, về con người xã hội và về chính thế giới xung quanh. Chỉ khi thành công thì con người mới nhìn lại quãng đường khó khăn trước đó, nhìn nhận để tích lũy kinh nghiệm, nhìn nhận để có một câu trả lời thỏa đáng cho những gì bản thân bỏ ra và trải qua. Từ đó, con người sẽ có động lực để đương đầu với nhiều thử thách gian nan hơn, và cũng là để thành công hơn cả hiện tại.
Ngoài ra, thành công còn được tạo ra nhờ thất bại, vấp ngã. Bởi vì vấp ngã nên chúng ta mới nhìn nhận, phát hiện và khắc phục những khuyết điểm của bản thân, ngày một hoàn thiện mình hơn, như vậy mới có được thành công. “Thất bại mang lại cho bạn cái nhìn đúng đắn về sự thành công.”
Điều này đã được minh chứng rõ ràng và chắc chắn qua thực tế cuộc sống. Có mấy ai biết được rằng trước khi J.K Rowling trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới. Trong quá khứ, bà đã từng có cuộc sống vô cùng khổ sở: ly dị chồng, một mình nuôi con, túng thiếu mọi bề. Thậm chí, có lúc khó khăn đến mức không có tiền để in bản viết tay cuốn sách Harry Potter của mình. Vì vậy mà bà đã phải gõ hơn 9000 từ trên chiếc máy đánh chữ cũ thủ công để gửi đến các nhà xuất bản. Chính vì vấp ngã, thất bại, khốn khó đến thế mà con người phải không ngừng vươn lên, vươn lên để thay đổi số phận, vươn lên để tìm thấy hạnh phúc, vươn lên để họ thấy họ còn có thể sống và có mục đích sống rõ ràng không thể từ bỏ.
Một điển hình khác cụ thể hơn chính là Thomas Edison. Giáo viên của Thomas Edison nhận định rằng ông “quá chậm để học bất cứ thứ gì” nên mẹ ông đã quyết định cho ông nghỉ học và bà tự dạy con trai của mình. Không chỉ có vậy, ông đã sớm bị sa thải khỏi hai công việc đầu tiên vì “không đủ năng lực”. Vậy mà, với nỗ lực của mình, ngày nay Thomas Edison được biết đến là một trong những nhà sáng tạo vĩ đại nhất của mọi thời đại. Thành công đã mỉm cười sau hơn 10.000 lần nỗ lực để phát minh ra bóng đèn điện. Đây chính là một ví dụ tuyệt vời cho tính kiên trì thực sự.
Thành công hay không thì còn phải dựa vào những bài học, những kinh nghiệm, những khao khát thay đổi suy nghĩ của người khác về chính mình, khao khát thành công. Con người phải luôn sẵn sàng đón nhận thiếu sót, thất bại, phải kiên trì, giữ vững ý chí thì mới có thể đạt được thành công. Khi thành công thì con người tỏa sáng, nhưng để có được nó lại là điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi từ tính cách, phẩm chất cho đến ý chí, sự mạnh mẽ và cuối cùng là ước mơ, hoài bão to lớn của một con người.
Thành công được cấu thành từ thất bại. Nhưng không phải đã trải qua thất bại, tiến đến được với thành công thì sẽ mãi không thất bại lần nào nữa. Con người không nên ngủ quên trong chiến thắng, quá thỏa mãn với những gì bản thân đạt được, tự cao, tự phụ sẽ lại càng thất bại một cách thảm hại hơn.
Ở đâu đó từng có câu nói rằng: “Ở đỉnh núi, quang cảnh nhìn thấy sẽ là dốc xuống.”, cũng như con người nếu cảm thấy bản thân đã trải qua quá nhiều kinh nghiệm, quá đủ thành công, không cần phải cố gắng hơn nữa thì đó chính là cú ngã đau nhất cuộc đời.
Câu chuyện An Dương Vương vì quá khinh thường giặc, chủ quan và lơ là để cho giặc làm con rể ở tại đất nước mình, để cho Trọng Thủy có cơ hội tráo nỏ thần, ngồi đánh cờ thản nhiên khi giặc đã kéo vào thành và hơn nữa lại còn chủ quan ngay cả chính người con gái Mị Châu của mình. Kết cục nước mất nhà tan, ông phải chém chết đứa con gái của chính mình, để đất nước rơi vào tay giặc. Đó là một bài học đáng giá cho sự chủ quan, tự cao.
Một ví dụ điển hình khác chính là câu chuyện về ông Donald Trump. Donald Trump trước khi sở hữu khối tài sản khổng lồ lên đến 4,5 tỷ USD và được ghi vào sách kỷ lục Guiness đã từng là con nợ khủng nhất trong lịch sử tài chính với món nợ 1 tỷ USD. Một ngày nọ, ông vừa chỉ tay về phía một người đàn ông vô gia cư vừa nói với con gái mình rằng “Con có nhìn thấy người đàn ông đằng kia không? Ông ấy đã từng là một tỷ phú giàu có hơn cả cha. Và bây giờ thì ông ấy đang ở đáy bùn của xã hội”.
Chính vì tự mãn, chính vì tư tưởng mãi mãi chiến thắng trên đỉnh vinh quang mà con người đã tự đưa mình vào hố sâu, vực thẳm của cuộc sống. Nó không còn là một cú ngã bình thường, mà chính là một cú ngã lâu dài, thấm đậm sự thất bại và xấu hổ. Có thể là không lối thoát.
Và vì mỗi người có một khái niệm khác nhau về thành công nên đừng lấy thước đo thành công của người khác áp đặt lên bản thân mình. Đừng cảm thấy buồn, ganh tị khi nhìn vào thành công của người khác. Bởi đơn giản, thành công của bạn khác với thành công của người khác. Và đó còn là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng.
Không có thành công nào mà không phải trả giá, phải trả bằng thời gian, mồ hôi và đôi khi cả máu. Đừng nhìn vào điều đã đạt được mà hãy nhìn vào cả quá trình phấn đấu. Bên cạnh đó, đôi khi bạn còn phải biết buông bỏ đúng cách. Đừng mải chạy theo những giá trị vật chất, mà hãy nhìn xa hơn quan tâm hơn đến bản thân cũng như những người xung quanh. Hãy hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn về cả sức khỏe, trí tuệ cũng như cảm xúc của mình. Thành công sẽ đến nhưng đó không phải là cái đích cuối cùng của cuộc sống.
Con người muốn thành công phải luôn chuẩn bị cho mình mục đích sống, một ước mơ, một kế hoạch đồng thời phải rèn luyện tính kiên nhẫn, mạnh mẽ, kỹ năng ứng xử, thu thập và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn và càng phải có một nhân cách đẹp thì mới có thể thuận lợi đạt được thành công.
Cùng với đó, chính là ý chí đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và tính kiên trì, kiên định với mục tiêu đã đưa ra trước đó, “Thất bại không phải là ngã, mà là từ chối đứng dậy.” Đồng thời, chúng ta cần hạn chế và khắc phục tính tự mãn khi thành công để không nhận lại kết quả tồi tệ nhất. Hãy tìm mọi cách để thành công và dù có thành công hãy tìm cách giữ nó ở lại lâu nhất khi bạn có thể.
Thành công dù giản đơn và ngọt ngào hay xa vời và khó với chính là ở bản thân mỗi người.. Quan trọng hơn cả, sẽ không bao giờ có cơ hội để vươn đến thành công cho những kẻ ảo tưởng và lười biếng. Dù hiểu theo nghĩa nào về khái niệm thành công thì muốn đạt được đích đến của cuộc đời, bạn cần vạch ra mục tiêu riêng cũng như có những định hướng rõ ràng và đúng đắn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bền bỉ và kiên trì theo đuổi – bởi đó là khi bạn có thể chiến thắng thử thách bản thân mình và gặt hái được thành công trên con đường đã lựa chọn.
Nguồn + Ảnh : Internet
Ý kiến (0)