DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Quản lý tài chính tốt không chỉ là kiếm nhiều tiền

Quản lý tài chính tốt không chỉ là kiếm nhiều tiền

| 1.4K lượt xem | Hồi Hoàng

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc sử dụng lương tháng của mình, phải vay mượn để bù đắp chi tiêu hay luôn cảm thấy không đủ sống, hãy cùng DJC tìm hiểu một số mẹo dưới đây để cải thiện thói quen tài chính dành cho bạn.

1. Luôn lập ngân sách

Vấn đề: Nhiều người thường bỏ qua bước này vì lười biếng, không muốn dành thời gian liệt kê các khoản chi. Tuy nhiên, suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.

Thực tế: Theo The Balance, lập ngân sách cụ thể mỗi tháng giúp bạn quản lý tốt dòng tiền, tránh trường hợp bội chi.

Lời khuyên: Mỗi đầu tháng hoặc cuối tháng, bạn nên liệt kê các khoản chi cố định như tiền nhà, tiền điện, nước, tiết kiệm.

Quy tắc 6 chiếc lọ trong quản lý tài chính cá nhân cho rằng mỗi khi nhận được bất kể nguồn thu nhập nào, bạn nên chia vào 6 chiếc lọ theo công thức:

– 55% nhu cầu thiết yếu

– 10% tiết kiệm dài hạn

– 10% đầu tư giáo dục

– 10% hưởng thụ

– 10% hoạt động tạo ra nguồn thu nhập thụ động

– 5% dành cho từ thiện

Tùy vào mức sống và ưu tiên, bạn có thể điều chỉnh gợi ý trên cho phù hợp với mình. Điều quan trọng là bạn luôn có kế hoạch sử dụng số tiền mình có.

2. Chuẩn bị khoản tiền ngoài ngân sách

Vấn đề: Ngoài các khoản chi cố định, chắc chắn bạn sẽ gặp những trường hợp buộc phải chi tiêu bất ngờ như tiền mừng đám cưới, quà chia tay đồng nghiệp, sửa chiếc máy tính vừa hư,…

Thực tế: Những khoản chi ngoài dự tính này nhiều khả năng sẽ làm rối loạn ngân sách nếu bạn chưa có kinh nghiệm quản lý.

Lời khuyên: Sau khi đảm bảo bạn đã chi trả các khoản phí không thể thay đổi, mỗi tháng hãy dành ra một khoản tiền cho các tình huống bất ngờ nêu trên.

Trong tài chính cá nhân, quỹ chìm (sinking fund) có thể hiểu là một loại quỹ được bạn tiết kiệm cho các mục đích nhỏ trong tương lai, theo The Savvy Couple.

Hãy quan sát, ước lượng chi phí mình cần từ sớm như có bao nhiêu đám cưới cần đi trong năm nay, một lần sửa máy tính khoảng bao nhiêu tiền.

Bạn chuẩn bị quỹ chìm càng sớm, càng ít bỡ ngỡ khi nhu cầu xuất hiện.

3. Theo sát thu chi của mình

Vấn đề: Nếu bạn không ghi chú cẩn thận từng khoản chi nhỏ lẻ, vấn đề “vung tay quá trán” hoàn toàn có thể xảy ra.

Thực tế: Dù đã lên kế hoạch lớn, ở bất kỳ thời điểm nào trong tháng, bạn đều cần nắm rõ số dư từng mục trong ngân sách của mình.

Lời khuyên: Sử dụng sổ tay hoặc app quản lý thu chi để ghi lại từng khoản tiền nhỏ nhất như tiền xăng, cà phê trong ngày. Phân loại chúng cũng là cách để bạn nhận diện mình đang chi tiền nhiều cho việc gì và tiết chế.

4. Đảm bảo bạn chi tiền xứng đáng

Vấn đề: Một trong những sai lầm chúng ta dễ mắc phải khi mua sắm online là mua ngay món đồ mình nhìn thấy lần đầu tiên.

Thực tế: Lợi thế khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử là bạn có thể tham khảo nhiều lựa chọn khác nhau. Nếu chịu khó so sánh, bạn sẽ mua được cùng một món hàng, dịch vụ với giá rẻ.

Lời khuyên: Trước khi quyết định chi tiền, bạn nên cân nhắc mức độ cần thiết. Đồng thời tìm thêm mã giảm giá, voucher và các lựa chọn tiết kiệm hơn nếu có.

5. Hạn chế sử dụng thẻ tín dụng

Vấn đề: Trả lời USA Today, LaToya Irby, chuyên gia tín dụng tại Alabama, Mỹ cho biết thẻ tín dụng là kẻ thù lớn nhất với người không biết quản lý chi tiêu.

Không ít người chọn thẻ tín dụng như một “chiếc túi thần kỳ” hỗ trợ mình khi hết sạch tiền, bất chấp khả năng chi trả sau đó.

Thực tế: Dùng thẻ tín dụng dễ cho bạn cảm giác thoải mái khi bản thân luôn có tiền để dùng. Nhưng đừng lầm tưởng chúng là thẻ ATM.

Lời khuyên: Khi sử dụng thẻ tín dụng thanh toán, hãy đảm bảo số nợ không quá 50% thu nhập hàng tháng. Tốt hơn hết là chỉ dùng thẻ vào những lúc thật sự cấp bách và chi những khoản bạn có thể trả được.

6. Cân nhắc điều chỉnh các khoản chi cố định

Vấn đề: Hầu hết gói xem phim, nghe nhạc premium hay công cụ trực tuyến đều được tính tiền hàng tháng. Những chi phí này tuy không nhiều nhưng cũng phần nào tạo “gánh nặng” cho tài chính cá nhân.

Thực tế: Vì chi phí thấp, chúng ta có xu hướng vô tư bỏ qua. Chỉ đăng ký một lần và để nhà cung cấp tự động trừ tiền.

Lời khuyên: Thi thoảng, bạn nên kiểm tra lại các khoản đã đăng ký xem bản thân còn dùng hay không. Trong trường hợp cảm thấy không cần thiết, hãy hủy đăng ký.

7. Nhận biết và quản lý lạm phát lối sống

Vấn đề: Lạm phát lối sống (lifestyle creep) là hiện tượng xảy ra khi mức sống cải thiện, những thứ trước đây được coi là xa xỉ lại trở thành nhu cầu thiết yếu.

Ví dụ, khi vừa lên chức và được tăng lương, bạn cảm thấy cần sắm một chiếc túi đắt tiền để phù hợp với vị trí mới, hoặc gia đình cần có thêm các thiết bị điện tử để cuộc sống dễ dàng hơn.

Thực tế: Investopedia miêu tả lạm phát lối sống như một yếu tố phá hoại tài chính và khả năng trở nên giàu có trong tương lai. Thói quen chi tiêu này cũng gây khó khăn cho các khoản tiết kiệm lớn hơn như mua nhà, mua xe, nghỉ hưu.

Lời khuyên: Việc nâng cấp cuộc sống là tất yếu khi sự nghiệp phát triển. Dù vậy, bạn nên kiểm soát nhu cầu của mình thay vì để chúng kiểm soát bạn.

“Bạn có thể biết điều mình cần, nhưng để đạt được điều mình muốn thì tốt hơn hết nên giữ điều mình có”, Stephen Sondheim.

Nguồn : Tổng hợp 

Ý kiến (0)