DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nhận biết những cái bẫy của tâm trí

| 1512 lượt xem | Hồi Hoàng

Nhận biết những cái bẫy của tâm trí

Khi cảm thấy mất động lực, thiếu tự tin, tự mâu thuẫn với chính mình, hãy thử ngồi im lặng và quan sát xem tiếng nói nhỏ bên trong của bạn đang bị "dính mắc" bởi điều gì. Chỉ có im lặng mới giúp bạn lắng đọng lại, lắng nghe và quan sát được "tiếng nói" thật sự của tâm trí mình.

Những cái bẫy tâm trí này giống như cây kim rỉ sét nằm im lìm một cách tinh vi mà đôi khi con người rất khó nhận ra giữa cuộc sống ồn ào vội vã này.

NHỮNG GIẢ ĐỊNH

Thói quen tâm trí của con người luôn có huynh hướng phòng vệ, nên đôi khi sự phòng vệ ấy đi kèm những giả định tiêu cực về một đối tượng hay một sự việc nào đó. Giả định có thể dẫn đến việc đánh giá sai người khác và dẫn đến những cảm xúc và hành vi gây tổn hại đến mối quan hệ. Ví dụ: Anh ấy/cô ấy luôn nghĩ tôi.....hoặc người ta luôn cho rằng tôi.....Và khi những giả định ấy thiếu những bằng chứng hoặc cơ sở cụ thể thì...

NIỀM TIN

Niềm tin là điều gì đó đến từ vô thức và vô tình hoặc hữu ý bị cài đặt. Nếu có những niềm tin mang đến cho con người động lực mạnh mẽ, thì cũng có những niềm tin giới hạn khả năng, tước đoạt đi sức mạnh của con người. Đã bao giờ bạn quan sát thấy chính mình, hoặc một ai đó bị "đóng khung" bởi một niềm tin nào đó. Ví dụ: Tôi còn quá trẻ để có thể trở thành lãnh đạo...tôi quá già để có thể bắt đầu lại...tôi không đủ khả năng.....

SO SÁNH

Cái này thì khá phổ biến và dễ bắt gặp. So sánh là một dấu hiệu của sự không hài lòng, có thể là về chính mình hoặc về người khác. Mặt tích cực của so sánh giúp chúng ta tìm điểm tựa để phấn đấu, nhưng so sánh cũng là khởi điểm của sự đố kị và ghen ghét. So sánh luôn luôn làm cho mối quan hệ căng thẳng và đôi khi phá hủy luôn cả tình bạn/tình yêu. Ngay thời điểm tâm trí bắt đầu khởi phát sự so sánh, những cảm xúc tiêu cực như ghen tị, cáu giận có thể cùng kéo đến.

SỰ MONG CẦU

Mong cầu là việc muốn cái gì đó mà mình chưa có được. Khi mong cầu phát sinh, cảm giác thấy thiếu thốn cái gì đó cũng phát sinh. Mong cầu cũng rất gần với sự so sánh, khi mong cầu phát sinh sẽ bắt đầu có những cảm xúc ham muốn sở hữu nảy sinh. Khi chúng ta mong muốn cái chúng ta không thể có được, cái ta mong muốn sẽ trở thành nỗi đau. Việc còn lại là BUÔNG, mà mấy ai có thể buông được.

KỲ VỌNG

Kỳ vọng là có ý tưởng định sẵn rằng một cái gì đó nên xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Càng có nhiều kỳ vọng càng không hợp lý thì càng bị tâm trí dẫn dắt đến nỗi không biết đi đâu. Sự kỳ vọng đôi khi sẽ phá hủy cuộc sống và mối quan hệ của bạn. Ví dụ như bạn mong đợi mình được đối xử tốt từ người khác, nhưng thường bị thất vọng, bối rối, và tức giận. Vì khi kỳ vọng xuất hiện, tâm trí đã có một sự thiên vị nào đó xảy ra rồi, và đều này có thể gây căng thẳng cho các mối quan hệ.

LÝ TƯỞNG HÓA

Cái này thì rõ rồi, con người luôn luôn hướng đến sự hoàn hảo. Nhưng sự hoàn hảo lại là kẻ thù của thành công vì cuộc sống này vốn không có sự hoàn hảo, trừ sự không hoàn hảo mà thôi. Đôi khi vì lý tưởng hóa, hoàn hảo hóa lại dẫn đến kỳ vọng, dẫn đến sự trì hoãn. Thời gian thì cứ ra đi không bao giờ quay trở lại, lý tưởng hóa nếu nhìn từ góc độ tích cực chính là yếu tố kích thích chất lượng, tuy nhiên nếu lý tưởng hóa đi kèm với sự kỳ vọng thì rõ ràng đây là cái bẫy hút năng lượng rất đáng kể.

Ôi, vậy thì bây giờ làm thế nào? Bình tĩnh mà quan sát thôi, bình tĩnh mà HERE & NOW thôi, không có chuyện HERE & THERE mà thân tâm hợp nhất cả.

Gần đây mình bỗng dưng hiểu được cái câu này một cách sâu sắc. "Khi tâm khởi thì trùng trùng duyên khởi". Câu hỏi còn lại thì "tâm" ở đây là tâm gì, tâm tốt thì duyên tốt, tâm lành thì duyên lành, tâm an lạc thì duyên an lạc....còn ngược lại thì....

Chia sẻ từ VietCoach

Nguồn ảnh: Internet