DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Dạy con về cách quản lý tài chính không bao giờ là quá sớm

| 1481 lượt xem | Hồi Hoàng

Dạy con về cách quản lý tài chính không bao giờ là quá sớm

Dạy con về quản lý tài chính là cách giáo dục thông minh mà cha mẹ nên triển khai, áp dụng sớm cho con em mình. Điều này giúp trẻ hiểu được giá trị đồng tiền cũng như có ý thức tiết kiệm và trân trọng tiền hơn, tránh chi tiêu hoang phí về sau. 

Giáo dục con cái chưa bao giờ là dễ dàng đối với hầu hết các bậc phụ huynh. Nếu không biết cách, bạn sẽ vô tình khiến trẻ hình thành những thói quen không tốt, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành. Một trong những điều bố mẹ cần chú ý giáo dục sớm cho trẻ chính là quản lý tài chính.

Khi nói về vấn đề dạy con cách quản lý tài chính, nhiều cha mẹ quan niệm rằng trẻ con chưa biết gì cho nên không cần thiết phải chú trọng đến việc giáo dục. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của đại học Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay từ thời điểm này. 

Bởi vậy, các bậc phụ huynh nên đề cao và có cách giáo dục sớm về tiền bạc giúp trẻ định hình đúng vai trò, hiểu được giá trị mà đồng tiền mang lại và nhất là biết quản lý tài chính ngay từ khi được dùng tiền để chi tiêu. Vậy nên bắt đầu từ đâu khi dạy con quản lý tài chính?

1. Giáo dục cho con về vai trò của lao động

Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ nên dạy con, chỉ cho con biết về vai trò của lao động, từ đó trẻ mới thấy quý trọng đồng tiền hơn. 

Từ việc lao động cho bản thân trẻ, cho tập thể cho đến việc kiếm tiền. Phần lớn các bậc phụ huynh có thói quen cho con tiền tiêu vặt một cách tùy ý theo mong muốn của trẻ. Đây được xem là thói quen không tốt và cha mẹ nên từ bỏ. Nếu bạn đáp ứng tất cả mọi yêu cầu về tiền bạc của trẻ sẽ khiến trẻ có thói quen ỉ lại, phụ thuộc và không hiểu được giá trị đồng tiền mà cha mẹ vất vả kiếm được. Để giáo dục tốt kỹ năng quản lý tài chính cho con, cha mẹ nên dạy trẻ cách tự “kiếm tiền” một cách chân chính.

Theo như nghiên cứu của các chuyên gia, nếu như con kiếm tiền nhưng vẫn đảm bảo không trái lương tâm và không ảnh hưởng đến nhiệm vụ học tập thì quá tốt và cha mẹ nên khuyến khích.

2. Gợi ý cho con về những công việc có thể làm

Dạy con làm việc gì, làm như thế nào và bằng cách nào quả thực không đơn giản chút nào. Nhưng không gì là không thể. Tôi đã áp dụng nó thành công bằng cách, lập một bảng phân chia việc nhà thành 3 nhóm, trong đó có nhóm lao động là vinh quang (những công việc thường ngày là bốmẹ sẽ làm, nhưng chia sẻ một phần công việc cho trẻ có cơ hội kiếm tiền), trách nhiệm với bản thân (mục này để tiền khuyến khích mỗi khi con hoàn thành), đóng góp với tập thể (các công việc bắt buộc phải làm, có thưởng nếu làm tốt). 

3. Dạy trẻ cách tiết kiệm và phân loại tiết kiệm

Tiết kiệm là một trong những yếu tố giúp cho việc quản lý tài chính trở nên hữu hiệu và dễ dàng. Thực tế, nhiều phụ huynh đã chú trọng cách giáo dục này nhưng chưa thực hiện kiên trì.

Cha mẹ nên tiến hành giúp con lập ngân sách và phân loại một cách hợp lý. Mô hình “4 chiếc lọ” và mỗi chiếc sẽ được dán nhãn và mang ý nghĩa nhất định:

  • Lọ “save” – Để dành: Khoản tiền tiết kiệm cho một mục đích cụ thể (30%).

  • Lọ “invest” – Đầu tư: Khoản tiền để mẹ dạy bé cách đầu tư vào một mục đích nào đó (30%).

  • Lọ “donate” – Cho đi: Khoản tiền dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình (10%).

  • Lọ “spend” – Tiêu: Khoản tiền được tiêu tùy ý bé (30%).

Mỗi lúc trẻ nhận được một số tiền nào đó như tiền thưởng học tập, tiền sinh nhật, tiền lì xì lễ tết… cha mẹ hãy hướng dẫn con phân chia số tiền cho 4 chiếc lọ. Đừng quên nói cho trẻ hiểu về thứ tự ưu tiên của các phần cũng như việc tiền ở phần này sẽ không được dùng cho phần kia và ngược lại. Hãy chỉ cho trẻ hiểu phần tiết kiệm là phần có tính chất dài hạn để chuẩn bị cho các kế hoạch như học tập, chăm sóc sức khỏe, còn phần chi tiêu là phần đáp ứng các nhu cầu thường ngày trong cuộc sống.

Bằng cách này, phụ huynh đã giúp bé hiểu và dần làm quen với cách tiết kiệm. Có thể phút ban đầu khó khăn nhưng lâu dần trẻ sẽ chủ động hơn đối với việc quản lý ngân sách và chi tiêu hợp lý.

4. Dạy trẻ biết xác định rõ nhu cầu của bản thân

Tâm lý và tính cách của trẻ nhỏ là luôn muốn mua tất cả những thứ gì mình thích. Điều này sẽ khiến trẻ trở thành người chi tiêu theo cảm xúc, không biết xác định rõ nhu cầu của mình. Là cha mẹ hãy sớm dạy trẻ xác định đúng đắn vấn đề này. Điều quan trọng bạn cần làm là nên cho con tham gia việc lập danh mục món hàng cần mua sắm, đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”. “Cần” là những thứ buộc phải có để tồn tại, còn “muốn” là những cái muốn có nhưng không phải thiết yếu. Khi trẻ đòi hỏi thứ gì, bạn nên hỏi rõ: đây là thứ con muốn hay con cần.

Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học North Carolina State và Đại học Texas, đối thoại với trẻ em về vấn đề tiền bạc là chìa khóa then chốt trong việc dạy con cách tiêu tiền. Cho nên hãy luôn trò chuyện và chia sẻ cùng con những vấn đề về chi tiêu. Hãy dạy con biết nói “không’ với những nhu cầu không thực sự cần thiết và biết ưu tiên cho những cái quan trọng vào thời điểm phù hợp. Với kỹ năng này, trẻ sẽ dần xây dựng được sự ổn định, an toàn về vấn đề tiền bạc, từ đó quản lý tài chính một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra bạn nên khuyến khích con ghi lại những khoản đã chi tiêu trong tháng để trẻ dễ dàng nhìn thấy được số tiền mình đã dùng, từ đó có kế hoạch mua sắm, chi tiêu hợp lý nhất cho những tháng sau.

5. Định hướng con kinh doanh nhỏ – đầu tư đơn giản 

Việc kinh doanh nhỏ, bạn có thể gợi ý cho một số công việc đơn giản như: mua chuyện tranh về đọc và cho bạn thuê, tạo nguồn thu nhập thụ động và cũng là cách để trẻ có tư duy kinh doanh từ nhỏ. Và đây cũng là cách tôi đã áp dụng cho các con của tôi. Và còn nhiều cách khác, ba mẹ linh động với trẻ nhé.

Đầu tư đơn giản nhất để trẻ áp dụng đó là đưa con ra ngân hàng gửi tiết kiệm.

Dạy con quản lý tài chính chưa bao giờ là quá sớm, ngay cả khi không phải là chuyên gia, bạn vẫn có thể cho con một nền tảng tài chính cơ bản. Điều này có thể mang đến một khởi đầu tài chính tốt cho trẻ trong tương lai.

 Nguồn : Tổng hợp