DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Cách yêu thương bản thân

| 1517 lượt xem | Lê Hà Thanh Lộc

Cách yêu thương bản thân

Lời cảm ơn

Thư viện 100 năm xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Tiến Sĩ Nguyễn Hằng Phương - Giảng viên Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng; Chị Ngô Thị Thanh Mai - Giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội với những chia sẻ bổ ích, thiết thực về cách để chúng ta có thể thêm yêu thương bản thân.

Thư viện 100 năm biết ơn Thầy Nguyễn Công Thái – Chủ tịch/ Nhà sáng lập Startup Education và Cộng đồng Startup Education đã tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến và chuyên sâu, trong đó chương trình “Yêu thương bản thân” giúp mọi người hiểu hơn về tầm quan trọng của việc yêu thương chính bản thân mình.

Xin gửi lời cảm ơn đến Huỳnh Ngọc Khánh Vân – Thành viên của Ban biên tập của Thư viện 100 năm đã “đóng gói” những kiến thức hữu ích liên quan trong bài viết “Cách Yêu thương bản thân”.

Lời giới thiệu

Dẫu biết rằng quá khứ là điều đã qua rồi nhưng chúng ta lại thường hay sống hoài niệm, mang tiềm thức trong quá khứ, những sự kiện buồn trong quá khứ đến hiện tại để hoài niệm. Thế nhưng hoài niệm là điều thường làm chúng ta đau khổ, bởi vì đó là những nỗi đau, cảm xúc tiêu cực. Vậy bây giờ chúng ta hãy bỏ quá khứ lại, sống cho hiện tại, hiện tại là điều quan trọng nhất để hướng đến sự thật trong tương lai. Sự thật được tạo ra bởi sự đồng thuận và được kết nối trên hành trình ấy bởi sự đồng bộ. Để tạo ra sự đồng thuận và đồng bộ thì chúng ta cần kết nối, kết nối để hiểu và yêu thương. Và kết nối đầu tiên là kết nối với chính mình để ta có thể hiểu và yêu thương chính mình. Bởi vì nếu mình không hiểu và yêu thương chính mình thì làm sao ta nói rằng ta hiểu và yêu thương người khác được. Vậy bạn đã cho bản thân mình sống ở hiện tại, ngay lúc này đây để kết nối với chính mình hay chưa? Hãy cùng cô Hằng Phương đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này bạn nhé!

1. Hiểu mình

Lo lắng giúp ta có thêm động lực để hoàn thành nhiều công việc. Mặc dù lo lắng diễn ra hàng ngày, tất cả chúng ta đều thường xuyên gặp lo lắng nhưng lo lắng không phải là bản chất. Vậy điều gì là bản chất? Hạnh phúc mới là bản chất của cuộc sống.

Có ai tự hỏi: “Lời khen tuyệt vời nhất mình từng được nhận là gì” hay chưa? Khi mọi người nhắc lại lời khen mà người khác dành cho mình thì đó là ta đang nhớ về một giá trị mà mình xứng đáng, là ta đang tưới cho mầm cây yêu thương của mình.

1.1 Vùng não chiếm ưu thế

Những người có vùng não phải chiếm ưu thế là những người có kỹ năng trong các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, nhịp điệu, màu sắc..…. Đây là những người có trí tưởng tượng phong phú, hay mơ mộng.

Những người có vùng não trái chiếm ưu thế thì giỏi về các lĩnh vực liên quan đến phân tích, ngôn ngữ, con số…

1.2 Bạn thông minh như thế nào?

Chúng ta thường nghĩ chỉ khi ta được điểm cao các môn như toán, văn, tiếng Anh thì mới được gọi là giỏi, thông minh. Theo Howard Earl Gardner, nhà tâm lý học phát triển người Mỹ và là giáo sư nghiên cứu về nhận thức và giáo dục thì trí thông minh của con người có 9 loại. Bao gồm: Trí thông minh về logic toán học, Trí thông minh ngôn ngữ, Trí thông minh âm nhạc, Trí thông minh hình ảnh không gian, Trí thông minh vận động thể chất, Trí thông minh nội tâm, Trí thông minh thiên nhiên, Trí thông minh xã hội và Trí thông minh hiện sinh (triết học) được thêm vào năm 1999.

Trí thông minh của mỗi người là khác nhau nhưng chúng ta lại đưa Barem của những người khác để chiếu lại mình thì dĩ nhiên chúng ta sẽ mãi là không đủ tốt, không đủ giỏi. Nếu ta thấy ai đó không thông minh như mình thì chúng ta cũng phải thông cảm cho họ bởi vì họ không có trí thông minh về lĩnh vực đó giống như mình.

1.3 Cơ thể

Trong bản đồ về sự nồng ấm của cơ thể, một người hạnh phúc là người mà cơ thể họ ấm nóng. Họ có sự nồng ấm trên cả cơ thể của mình. Dù một người đang yêu thì cơ thể họ cũng chỉ nồng ấm ở phần trên của cơ thể, chỉ có người hạnh phúc thì cơ thể họ mới hòa quyện toàn bộ năng lượng cơ thể mình.

Như vậy hiểu mình tức là chúng ta biết chúng ta đang yêu mình bao nhiêu phần trăm, biết mình như thế nào hay có lời khen nào dành cho mình, vùng não nào chiếm ưu thế, ta thông minh về điều gì và cơ thể có nồng ấm hay không.

2. Yêu mình

Ta không thể cho đi điều ta không có. Ta muốn con ta vui thì ta cần phải đặt câu hỏi là ta đã vui chưa.

Ví dụ có một người thầy hỏi làm thế nào để dạy tốt một môn học? Có người thì trả lời rằng giao nhiều bài tập hơn, cho trẻ làm việc nhóm hoặc chia nhỏ các hoạt động ra, hay đi thực tế, cho nhiều ví dụ… Nhưng câu trả lời đúng nhất là anh sẽ dạy tốt khi anh thấy rằng điều anh dạy thực sự hữu ích cho cuộc đời của anh. ta làm điều gì mà theo ta thấy rằng nó thức sự hữu ích cho cuộc đời của mình thì ta sẽ làm rất tốt. Do đó ta nên đặt ra câu hỏi là ta làm điều gì đó cho con mình thì trước hết ta có đang cảm thấy vui không. Ta yêu chúng ta để nói rằng ta có thể yêu người khác. Để khi mà nếu một người nói rằng họ không yêu ta thì vẫn thản nhiên nói lời tạm biệt họ bởi vì ta biết rằng ta yêu ta và ta sẽ không chờ người khác nói lời yêu mình.

2.1 Bạn đang có gì?

Điều mình đang có là điều giúp mình có sự tự tin. Khi tự hỏi mình giỏi gì nhất thì điều ta nên đề cập đến là việc mà ta đang làm giỏi nhất. Nếu ta không biết mình giỏi gì thì ta sẽ so sánh mình với người khác, điều đó khiến chúng ta cảm thấy “ Bị trôi”, khi ta thấy người khác giỏi hơn mình thì ta sẽ cảm thấy không tự tin. Vậy một trong những điều để giúp ta yêu mình là biết ta giỏi gì, có thể giỏi về một hay nhiều lĩnh vực thì đều được

Thứ hai chúng ta cần biết chúng ta xinh ở điểm gì, đẹp ở điểm gì. Đó là điểm mà người khác nhìn thấy được, đó có thể là đôi mắt, nụ cười… Vì khi ta biết ta đẹp ở điểm gì sẽ giúp ta có thể tự tin trước mọi người.

2.2 Bạn đang muốn gì?

Điều thứ ba là ta cần biết ta muốn gì. Rất khó để ta có thể biết được ta thật sự muốn gì. Theo tháp nhu cầu Maslow, thì cơ thể ta có nhu cầu về hai phần là sinh lý và tâm lý. Phần sinh lý đầu tiên là nhu cầu về cơ thể, là nhu cầu về phần con của mình, bao gồm sức khỏe, thức ăn, chỗ ở…Phần thứ hai tâm lý là phần người chia ra ba điều là cảm xúc, nhận thức và hành vi. Ví dụ về cảm xúc ta muốn vui hơn thì ta sẽ tham gia các hoạt động giúp ta vui hơn như xem hài kịch. Về nhận thức ta muốn ta giỏi hơn thì ta se tham gia các khóa học. Và nếu muốn thay đổi hành vi thì ta sẽ có thể bắt đầu dậy sớm...

Như vậy khi muốn trả  lời câu hỏi: “Mình muốn gì?”thì những điều ta muốn hầu như là ta đang muốn thỏa mãn nhu các cầu về phần con (cơ thể) và phần người của mình.

Kết luận:

Nguyên tắc kim cương là sống và trao cho họ điều họ cần chứ không phải cái mình có và mình muốn. Đôi khi có một ánh mắt lướt qua, mình vô tình chạm phải và biết rằng người ấy đang buồn. Mình bắt được ánh mắt đó và đồng cảm với người ta, đó là điều đáng quý vì đôi khi điều mà một người cần chỉ đơn giản là sự đồng cảm, sự thấu hiểu mà thôi.

Ai cũng có những điều chưa hoàn thiện, điều quan trọng là mình tự vượt qua chính mình để yêu thương bản thân mình. Mỗi người đều có khoảng trống trong tâm hồn, đều có khoảng trời riêng Để kết nối với chính mình thì mỗi ngày chúng ta cần dành cho mình những khoảng lặng riêng để trở về với chính mình, để biết mình là ai, mình sống vì điều gì. Hãy Kết nối với chính mình để hiểu, yêu thương chính con người mình, con người anh hùng thánh thiện của mình, lương tâm trong sáng và linh hồn trong suốt của mình. Lõi của tình yêu thương là yêu thương chính mình. Hãy sống hiện tại, kết nối với nhau ngay lúc này để để hành tinh này nồng ấm bởi tình yêu thương.

Tài liệu tham khảo