DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Văn hoá doanh nghiệp và tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp

| 2448 lượt xem | Hồi Hoàng

Văn hoá doanh nghiệp và tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp

Thuật ngữ “văn hóa doanh nghiệp” là một khái niệm khá mơ hồ, nhưng hầu hết các chuyên gia văn hóa sẽ đồng quan điểm khi nói về những điều cơ bản của thuật ngữ này. 

Nói một cách ngắn gọn, văn hóa doanh nghiệp được định nghĩa là một hệ thống các giá trị, mục tiêu, thái độ và thông lệ chung tạo nên một tổ chức. Việc xây dựng văn hóa riêng của doanh nghiệp như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào  chính doanh nghiệp đó. 

Hãy cùng DJC tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp, lợi ích của nó và các chiến lược để triển khai và tận dụng các lợi ích mà văn hóa doanh nghiệp mang lại.

Văn Hóa Doanh Nghiệp Là Gì?

Văn hóa doanh nghiệp có thể được định nghĩa là hệ thống các giá trị, mục tiêu, thái độ và thông lệ chung đặc trưng cho một tổ chức.

Định nghĩa trên có vẻ hơi khô khan nên chúng ra sẽ làm rõ nó bằng một số ngữ cảnh.

Văn hóa doanh nghiệp, theo cách hiểu đơn giản hơn, là những đặc tính chung của một tổ chức. Đó là cách mọi người cảm nhận về công việc họ làm, các giá trị mà họ tin tưởng, hướng họ thấy công ty đang phát triển và những gì họ đang làm để đạt được điều đó. Nói chung, những đặc điểm này đại diện cho tính cách - hay văn hóa - của một tổ chức.

Văn hóa của một công ty có ảnh hưởng từ trên xuống. Chúng ta sẽ đi sâu vào một số con số cụ thể để chứng minh cho điều này nhưng trước tiên, hãy xem xét thống kê sau:
Trung bình một người Mỹ sẽ dành một phần ba cuộc đời của họ tại nơi làm việc.

Môi trường làm việc cũng sẽ quyết định chất lượng cuộc sống một nhân viên. Nếu họ làm việc cho một công ty có nền văn hóa lành mạnh phù hợp với niềm tin và thái độ của chính họ, họ sẽ làm việc chăm chỉ và gắn bó lâu dài hơn với công ty. Mặt khác, nếu văn hóa của công ty khiến họ cảm thấy không thoải mái, nhiều khả năng nhân viên sẽ rời đi - hoặc tệ hơn là ở lại nhưng hoạt động với hiệu quả kém. 

Trước khi đi sâu hơn, hãy cùng xem lại một số quan niệm sai lầm phổ biến về văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp không phải là:

Giá trị cốt lõi của bạn - Giá trị cốt lõi chắc chắn là một phần trong văn hóa doanh nghiệp, nhưng chúng sẽ chỉ là những con chữ trên giấy nếu bạn không đưa nó vào hành động. Trên thực tế, các giá trị cốt lõi có thể tác động tiêu cực đến văn hóa nếu doanh nghiệp không thực sự hướng tới chúng. Nhân viên sẽ cho rằng công ty chỉ đang nói mồm và không tuân theo các tiêu chuẩn đã đặt ra.

Đặc quyền và phúc lợi của bạn - Đặc quyền và phúc lợi không thể được coi là toàn bộ văn hóa doanh nghiệp mặc dù bạn có thể thấy những sự quan tâm của công ty đối với mình rất tuyệt vời.

Tiêu chuẩn để đo lường tất cả các ứng viên - Việc tuyển dụng phù hợp với văn hóa đã trở thành một chủ đề nóng trong vài năm qua, nhưng có thể thấy các công ty đang dần chuyển hướng khỏi xu hướng này. Việc thuê những người phù hợp với văn hóa của bạn nhìn qua thì có ý nghĩa, nhưng có quá nhiều công ty bấu víu vào “thước đo” này. Nhiều công ty đã chuyển sang mô hình “văn hóa bổ sung”, ở đó họ tìm kiếm các ứng viên phù hợp với các đặc tính quan trọng nhất trong văn hóa của công ty nhưng những ứng viên cũng sẽ cần mang lại những nét độc đáo của riêng mình.


Vậy văn hóa doanh nghiệp thật ra là gì?
Một văn hóa doanh nghiệp thành công là văn hóa được tất cả mọi người từ thực tập sinh mới nhất đến Giám đốc điều hành góp phần xây dựng. Văn hóa doanh nghiệp phải luôn thể hiện được những giá trị cốt lõi của công ty. Nhiệm vụ của công ty là đảm bảo rằng mọi nhân viên đều hiểu những kỳ vọng để có những hành vi phù hợp. Một nền văn hóa doanh nghiệp tốt là một nền văn hóa luôn thúc đẩy sự tò mò, tôn trọng, tinh thần đồng đội và sức khỏe của nhân viên.

Một cách để thực sự thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp của bạn là tôn trọng sự đa dạng và hòa nhập. Nói một cách đơn giản, sự đa dạng và hòa nhập trong môi trường làm việc khiến một nhóm cá nhân với điều kiện và kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau cảm thấy an toàn và được chấp nhận trong việc thể hiện sự độc đáo của họ khi làm việc. Sự khác biệt của nhân viên, sự học hỏi lẫn nhau vàsự an toàn trong việc thể hiện sự khác biệt đó tạo ra một mối liên kết văn hóa mạnh mẽ, mang lại sự hạnh phúc và năng suất cho công việc.

Tầm Quan Trọng Của Văn Hóa Doanh Nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp có tầm quan trọng vượt xa những gì bạn nghĩ. Từ tuyển dụng, giữ chân người tài đến hiệu suất làm việc, văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của doanh nghiệp.

Nhưng sao có thể như thế được? Chắc hẳn mức lương cạnh tranh và những phúc lợi lớn mới là điều mà các ứng viên và nhân viên thực sự quan tâm, đúng không?

Câu trả lời lại là không.

Hãy cùng xem xét một số số liệu thống kê làm nổi bật tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp dưới đây. 

66% người tìm việc coi văn hóa và các giá trị của công ty là yếu tố quan trọng nhất khi xem xét cơ hội nghề nghiệp. Bạn có đang muốn tìm kiếm những tài năng hàng đầu? Văn hóa doanh nghiệp n nên được ưu tiên.

Các công ty chủ động quản lý văn hóa doanh nghiệp của họ có tỷ lệ giữ chân nhân viên cao hơn 40%. Văn hóa không chỉ thu hút nhân tài mà cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc giữ chân những nhân viên chất lượng của bạn.

Chỉ 28% giám đốc điều hành nói rằng họ hiểu văn hóa doanh nghiệp của họ. Ứng viên quan tâm đến văn hóa, nhân viên quan tâm đến văn hóa. Có phải đã đến lúc các giám đốc điều hành của bạn nghiêm túc về chủ đề này không?

Các tổ chức có văn hóa doanh nghiệp lớn mạnh có mức độ gắn kết nhân viên cao hơn 72% so với các tổ chức có văn hóa doanh nghiệp yếu kém. Văn hóa công ty ảnh hưởng đến sự gắn kết của nhân viên, và tác động trực tiếp đến hiệu quả công việc.

Các nhóm nhân viên có sự gắn kết ở mức cao thường mang lại đánh giá vượt trội từ khách hàng nhiều hơn 10% so với nhóm gắn kết thấp. Họ mang lại năng suất nhiều hơn 21% và lợi nhuận nhiều hơn 22% so với các đồng nghiệp khác. Nói một cách đơn giản, nhân viên có mức độ gắn kết cao là nhân viên năng suất, và nhân viên có năng suất là nhân viên mang lại lợi nhuận.

Tuy nhiên, chỉ có 13% nhân viên xác nhận họ gắn kết với công việc ở mức cao

Những con số này minh họa mối quan hệ giữa văn hóa và hiệu suất công việc.

Xây Dựng Văn Hóa Doanh Nghiệp

Tạo ra một văn hóa làm việc tích cực không phải là một việc dễ dàng, nhưng đó là điều mà bất kỳ tổ chức nào cũng có thể đạt được.

Trước tiên, hãy cùng xem xét định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp:

Văn hóa doanh nghiệp có thể được định nghĩa là một hệ thống các giá trị, mục tiêu, thái độ và thông lệ chung đặc trưng cho một tổ chức.

Điều quan trọng cần lưu ý là văn hóa doanh nghiệp là một hiện tượng xuất hiện tự nhiên; đội nhóm của bạn sẽ phát triển một nền văn hóa dù có chủ ý hay không. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách xem công ty của bạn phù hợp với loại văn hóa nào. Từ đó, bạn có thể phân chia nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành hai loại: theo tổng quan và theo công việc chi tiết hàng ngày. Hãy bắt đầu bằng cách chia nhỏ bức tranh thành các phần nhé.

Thiết Lập Các Giá Trị Cốt Lõi Của Công Ty

Giá trị cốt lõi chỉ là những lời nói suông cho đến khi chúng được đưa vào hành động. Những ứng viên giỏi nhất sẽ nghiên cứu về công ty của bạn trước khi ứng tuyển và họ sẽ có thể tìm hiểu xem công ty có đang tuân theo đúng các giá trị cốt lõi đã đề ra hay không. Vậy làm thế nào để công ty thể hiện giá trị cốt lõi của mình một cách tốt nhất? Hãy xem một vài ví dụ sau:

  • "Táo bạo." - Đây là giá trị cốt lõi đầu tiên trong số năm giá trị cốt lõi đã nêu của Facebook và bạn có thể dễ dàng nhận thấy điều đó trong mọi việc mà công ty này làm. Facebook không ngại việc tiếp cận các dự án lớn. Mặc dù điều này đôi khi gây phản tác dụng, nhưng nó chắc chắn giúp công ty thu hút và giữ chân những người có cùng chí hướng.

  • “Hãy là khách hàng của chính bạn.” - Squarespace không gặp khó khăn gì trong việc tuân theo đúng tuyên bố về việc đặt khách hàng làm trọng tâm. Squarespace được xây dựng trên nền tảng của riêng mình, vì vậy công ty luôn quan tâm đến việc phát triển sản phẩm tốt nhất có thể.

  • “Chúng tôi làm đúng việc, đúng thời điểm." - Sự thay đổi lãnh đạo công khai đã tạo ra những giá trị doanh nghiệp mới cho gã khổng lồ trong ngành dịch vụ giao thông vận tải ứng dụng công nghệ, Uber, và đây có lẽ là giá trị thú vị nhất của Uber. Chính hành động chia tay với giám đốc điều hành cũ của mình, chưa kể đến một số giám đốc điều hành chủ chốt khác, đã chứng tỏ sự sẵn sàng của công ty trong việc tuân thủ các nguyên tắc của mình.

Giá trị cốt lõi không còn là những lời nói suông nếu chúng được thực hiện bằng hành động thực tế. Chúng trở thành nền tảng của một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh.

Đặt Ra Mục Tiêu Của Văn Hóa Doanh Nghiệp

Mọi doanh nghiệp đều có mục tiêu nhưng chúng ta sẽ không nói về KPI. Thứ chúng ta bàn chính là lý tưởng mà công ty hướng tới, lý do mà công ty của bạn được thành lập những ngày đầu. Cách bạn truyền đạt mục tiêu đó có ảnh hưởng lớn đến văn hóa doanh nghiệp. Hãy xem xét các ví dụ sau:

  • Airbnb - “Tạo ra một thế giới truyền cảm hứng cho sự kết nối giữa con người với nhau”

  • Google - “Dành cho tất cả mọi người”

  • Zappos - “Sống để mang lại điều tuyệt vời”

Những mục tiêu này nghe có vẻ hoành tráng, nhưng chúng được tạo ra để truyền đạt một ý nghĩa ở tầm cao hơn. Chúng không phải là những lời thuật lại theo nghĩa đen về những gì công ty làm mà là những thông điệp đầy khát vọng, xác định những gì công ty đang hướng tới. Và khi mục tiêu của công ty phù hợp với mục tiêu của nhân viên, những điều tuyệt vời sẽ xảy ra.


Hãy Để Toàn Bộ Đội Nhóm Trong Doanh Nghiệp Cùng Tham Gia

Thái độ chung của lực lượng lao động trong tổ chức là một trong những động lực chính tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Việc nắm bắt đúng bức tranh tổng quan sẽ giúp bạn nuôi dưỡng một thái độ tích cực, nhưng đừng bao giờ cho rằng như vậy là đủ. Một số bước chủ động có thể giúp bạn duy trì thái độ - và năng suất - luôn ở mức cao:

  • Đảm bảo rằng bạn thể hiện sự đánh giá cao đối với mọi thứ mà nhóm của bạn làm. Tất cả mọi người đều bận rộn, và có thể dễ dàng bỏ qua những điều nhỏ nhặt, nhưng chính những điều nhỏ nhặt lại mang tới sự cảm kích.

  • Tìm hiểu điều gì thúc đẩy nhân viên của bạn và cho họ những cơ hội mà họ đang tìm kiếm. Tạo ra cơ hội để nhóm của bạn theo đuổi những gì thúc đẩy họ có thể giữ cho nhân viên gắn bó và tạo ra thái độ tích cực.

  • Ngay cả những nhân viên giỏi nhất đôi khi cũng cần được giúp đỡ, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đang cung cấp nhiều sự hỗ trợ. Cho dù đó là về công việc hay cá nhân, việc chứng minh rằng bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ nhóm của mình khi họ cần là một trong những điều quan trọng nhất mà một nhà lãnh đạo có thể làm.

Tuân Theo Văn Hóa Doanh Nghiệp Qua Những Hành Động Thiết Thực

Khi thực hiện các ý tưởng và sáng kiến ​​về văn hóa doanh nghiệp của bạn, hãy đảm bảo rằng bạn thực hiện một cách có chủ ý. Giống như thái độ, các hành động của một công ty tạo nên những thử thách cho văn hóa doanh nghiệp. Những nhân viên  có hành vi không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp sẽ có hiệu suất công việc thấp và gây ra sự bất mãn giữa những người làm việc tốt hơn.  Hãy thử những cách sau để tránh vấn đề này: 

  • Bắt đầu bằng cách làm gương. Nói một cách đơn giản, cách dễ nhất để đảm bảo các hành vi của nhân viên phù hợp với kỳ vọng là đảm bảo họ thấy các nhà lãnh đạo của mình thực hiện các phương pháp đó hàng ngày.

  • Củng cố loại hành vi bạn muốn thấy. Chúng ta cũng không nói về phần thưởng tài chính ở đây. Chỉ riêng việc công nhận rằng nhân viên đang sống theo văn hóa của công ty có thể có tác động rất lớn đến hành vi của tập thể (và văn hóa).

  • Đảm bảo bạn cung cấp nhiều phản hồi. Bạn không thể mong đợi nhân viên sửa đổi hành vi của họ nếu họ không biết là đang có vấn đề. Đưa ra phản hồi trung thực có thể không thoải mái nhưng đó là chìa khóa để tạo nên một nền văn hóa lành mạnh.

Tất nhiên, việc xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ cần có thời gian và rất nhiều nỗ lực vất vả, nhưng như chúng ta đã thấy, những lợi ích có được thật sự rất xứng đáng.

Xác Định Văn Hóa Của Một Doanh Nghiệp

Quá trình phỏng vấn vốn đã rất căng thẳng và thật khó để biết liệu nhà tuyển dụng đang trung thực hay cường điệu khi trả lời câu hỏi “Anh/chị có thể chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp mình không?” Làm thế nào để một ứng viên có thể biết về văn hóa của công ty trong quá trình phỏng vấn? Dưới đây là một số mẹo để xác định xem liệu văn hóa của công ty có đáng chê trách hay đáng nghi ngờ:


1. Xem trang “Về chúng tôi” của công ty trên trang web của họ:
Một trang “Về chúng tôi” chất lượng phải có sẵn các giá trị của công ty, lời chứng thực của nhân viên và thậm chí cả ảnh và thông tin liên hệ của ban lãnh đạo. Điều này cho thấy rằng công ty hoàn toàn không có gì phải che giấu khi muốn quảng bá một nền văn hóa thành công.

2. Đọc các đánh giá và thông tin về lương:
Trước khi phỏng vấn, hãy nhớ xem các trang web khác để đọc các đánh giá của người được phỏng vấn và nhân viên. Nhớ kiểm tra dữ liệu tiền lương để xem liệu công ty có đang trả lương công bằng cho nhân viên của họ hay không. Bạn cũng có thể hỏi mạng lưới của mình về bất cứ điều gì họ biết liên quan đến văn hóa.

3.Trong cuộc phỏng vấn, hãy hỏi những câu hỏi về văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng quan trọng đối với bạn:

Bạn nên có trước một danh sách các câu hỏi liên quan đến các chủ đề văn hóa quan trọng đối với bạn. Có thể bạn muốn biết thêm về cách hoạt động của các nhóm. Có thể bạn muốn biết liệu có bất kỳ sự  chia sẻ nào từ các nhân viên giữa các nhóm (employee resource groups) mà bạn có thể tham gia hay không. Có thể bạn chỉ muốn được đảm bảo rằng bạn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bất kỳ câu hỏi nào về văn hóa doanh nghiệp mà bạn thắc mắc, đừng ngại hỏi chúng trong cuộc phỏng vấn.

Nguồn + Ảnh: Understanding CompanyCulture. Built In (2021)/ Internet