DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Những sự thật thú vị về dòng họ Nguyễn Việt Nam

| 656 lượt xem | Thư viện số 100 năm

Họ Nguyễn Việt Nam có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở đất nước Việt Nam. Bao người con của họ Nguyễn đã có công dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi và làm rạng danh nước Việt Nam này.

Chắc hẳn chúng ta đều còn nhớ bài học vỡ lòng khi còn ngồi trên ghế nhà trường là:

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Bác Hồ kính yêu của chúng ta, lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng Sản Việt Nam có tên thật là Nguyễn Sinh Cung và hành trình tìm đường cứu nước của Người bắt đầu bằng một cái tên mang ý nghĩa sâu sắc là Nguyễn Ái Quốc, nghĩa là người họ Nguyễn yêu nước. Câu chuyện về người họ Nguyễn yêu nước sau này trở thành người Cha già của cả dân tộc Việt Nam vừa là niềm tự hào của những người con dòng họ Nguyễn, vừa thể hiện truyền thống yêu nước, yêu đồng bào và đầy tài năng của dòng họ có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam này.

Trong lịch sử, nước ta có 9 đời chúa Nguyễn và 13 vị vua họ Nguyễn có công mở mang bờ cõi, thống nhất lãnh thổ. Nhà Nguyễn cũng là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc.

Xa hơn một chút, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được mệnh danh là Tây Sơn hào kiệt đã có công bảo vệ lãnh thổ khỏi quân xâm lược Xiêm và đại phá 29 vạn quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789.

Chính trị gia thời xưa có Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi – Đại công thần khai quốc, Danh nhân văn hóa thế giới. Quân sự thì có những cái tên như Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở mang miền Đông Nam Bộ, lập ra phủ Gia Định, tiền thân của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, hay Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Trỗi là những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm cho đến hơi thở cuối cùng.

Trong tôn giáo, Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Tuệ Tĩnh, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh là những người mang dòng máu của họ Nguyễn.

Trong văn học cũng có vô số cái tên của họ Nguyễn như Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và kể cả những cái tên như Tản Đà, Tố Hữu, Tô Hoài, Thạch Lam, Kim Lân… mà có thể bạn không biết rằng họ đều có gốc gác là họ Nguyễn. Người sáng tác Quốc ca của nước Việt Nam là cố nhạc sĩ Văn Cao cũng mang họ Nguyễn.

Không chỉ có những tên tuổi đình đám trong lịch sử, họ Nguyễn cũng là dòng họ đông nhất Việt Nam, chiếm tới gần 40% dân số. Xét theo tỷ lệ ấy thì mức độ phổ biến của họ Nguyễn còn vượt qua họ Kim và họ Park ở Hàn Quốc, họ Smith và họ Jones ở các nước Anglo – Saxon. Họ Nguyễn cũng là một họ chiếm số lượng lớn ở những nơi có người Việt định cư ở hải ngoại, ví dụ như Úc, Mỹ, Pháp, Cộng hòa Séc… Không phải ngay từ đầu họ Nguyễn đã là dòng họ có quân số đông nhất Việt Nam. Sự biến động của thời cuộc trong lịch sử đã tạo ra những lần mở rộng quy mô bất ngờ của họ Nguyễn.

Đầu tiên phải kể đến luồng di cư từ Trung Quốc. Vào thời kỳ Nam – Bắc triều ở Trung Quốc, khoảng năm 420 đến 589, thiên hạ đại loạn, để lánh nạn và mưu sinh, một bộ phận không nhỏ cư dân ở các tỉnh An Huy, Chiết Giang, Hồ Bắc của Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam. Trải qua thời gian, bộ phận cư dân này đã đồng hóa với dân bản địa, rồi tự đổi thành họ Nguyễn - dòng họ của người dân bản địa nơi đó.

Khoảng mấy trăm năm sau, vào thời Ngũ Đại – Thập Quốc (907 – 960), lại có thêm một bộ phận cư dân Trung Quốc di cư xuống phía Nam và cũng lấy họ Nguyễn. 

Thứ hai là những lần đổi họ lớn trong lịch sử. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý. Rồi 216 năm sau, vị vua Lý cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhà Lý mất, triều Trần được thành lập. Trong những năm đầu triều Trần, Thái sư Trần Thủ Độ là người nắm mọi quyền hành. Ông đã có những hành động quyết liệt nhằm hạn chế ảnh hưởng của người họ Lý. Trần Thủ Độ đã lấy lý do ông nội của Hoàng đế Trần Thái Tông Trần Cảnh là Trần Lý nên đã bắt tất cả người họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn để tránh phạm húy. Lý do Trần Thủ Độ chọn họ Nguyễn thì đến nay vẫn chưa có lời giải thích phù hợp, nhưng mục đích của ông trong việc đổi họ này là để khai tử dòng họ vua vừa được hoán vị và để dòng họ Lý còn lẩn trốn trong dân gian khó lòng phục thù nhà Trần được.

Năm 1400, nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ. Lịch sử lặp lại, rất nhiều con cháu họ Trần cũng bị giết hại. Sử cũ chép rằng, năm 1400, Vua Trần Thuận Tông bị Hồ Quý Ly bức tử, nhiều đại thần nhà Trần đã liên thủ lại để tìm cách trừ khử Hồ Quý Ly. Thế nhưng, mưu lớn không thành, tất cả đều phải chết thê thảm. Rất nhiều tôn thất nhà Trần bị bắt giết hoặc bị ép làm nô lê. Sau sự kiện ấy, Hồ Quý Ly sai lùng bắt dư đảng chống đối liền mấy năm không ngớt. Nhưng rồi nhà Hồ cũng chẳng tồn tại được lâu. Năm 1407 nhà Hồ sụp đổ, con cháu họ Hồ phải đổi sang họ Nguyễn vì sợ bị trả thù.

Đến thế kỷ XVI, nhà Lê sơ suy vong. Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc. Đến năm 1592, nhà Mạc suy tàn, quân đội nhà Mạc thất bại trong cuộc chiến tranh với Nam triều của nhà Lê Trung hưng, phải bỏ chạy khỏi kinh thành Thăng Long lên Cao Bằng. Các con cháu của dòng họ Mạc cũng đổi sang nhiều họ khác, trong đó có họ Nguyễn để thoát khỏi các cuộc truy sát của chính quyền vua Lê chúa Trịnh. 

Đến năm 1802, Vua Gia Long thống nhất đất nước, lập ra triều Nguyễn. Một số con cháu họ Trịnh sợ bị trả thù nên đã đổi sang họ của kẻ thù (tức họ Nguyễn), số còn lại di cư sang Trung Quốc. 

Thứ ba là do chính sách của vương triều Nguyễn. Dưới thời nhà Nguyễn, luật pháp của nhà nước cho phép những người mang họ Nguyễn có nhiều quyền lợi nên nhiều người đã đổi sang họ Nguyễn để được hưởng đặc quyền. Thêm vào đó, những vua nhà Nguyễn thường phong quốc tính cho những người có công lớn với triều đình nên người họ Nguyễn ngày càng đông hơn.

Thứ tư là do chính sách của chính quyền đô hộ Pháp. Sách sử chép rằng, từ xưa ở nước ta chỉ có những người thuộc dòng dõi quý tộc mới có họ, còn những người thuộc tầng lớp bình dân thì thường không mang họ. Đến thế kỷ XIX, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của người Pháp, lần đầu tiên người Pháp có cuộc điều tra về dân số với quy mô lớn nhất, rộng khắp Việt Nam. Thế nhưng vì đại đa số người dân ở tầng lớp thấp đều không có họ, nên chính quyền Pháp không có cách nào để thống kê tổng kết. Người Pháp đã nghĩ ra một cách: Tất cả những ai không có họ thì cho lấy họ Nguyễn, vì triều Nguyễn là triều đại cuối cùng của người Việt. Đây là lần mở rộng dòng họ có quy mô lớn nhất lịch sử của họ Nguyễn, mà không dòng họ nào có thể đạt được. Trên thực tế, trước khi có sự tham gia của người Pháp, họ Nguyễn đã là dòng họ lớn nhất Việt Nam, nhưng để họ Nguyễn chiếm tỷ lệ áp đảo như hiện nay thì không thể không kể tới tác động kể trên của người Pháp.

Ngày nay, họ Nguyễn đã trở thành một dấu hiệu nhận diện đặc trưng của người Việt. Dù lớn lên ở Việt Nam hay hải ngoại, chỉ cần nghe phát âm họ Nguyễn là chúng ta biết ngay đó là đồng bào của mình. Đó là niềm tự hào của cả dòng họ nói chung và của mỗi người con họ Nguyễn nói riêng.

Chiếm tới gần 40% dân số, họ Nguyễn là dòng họ lớn nhất Việt Nam. Nhưng quy mô dòng họ không phải là niềm tự hào duy nhất của người họ Nguyễn. Từ thuở khai thiên lập địa của dân tộc Việt cho đến ngày nay, bao người con của họ Nguyễn đã góp công dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi và làm rạng danh nước Việt Nam trên trường quốc tế. Để có được cái nhìn tổng quan về họ Nguyễn, tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển cùng những thành tựu của dòng họ có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam này, mời bạn xem tài liệu Tổng quan về dòng họ Nguyễn Việt Nam.

Khi đăng ký tài khoản Ngân hàng Di sản Tri thức tinh hoa DJC tại đây, bạn có cơ hội được: 

  • Bình luận, đóng góp ý kiến và giao lưu cùng tác giả.
  • Sở hữu ngay báo cáo quản trị cá nhân và blog riêng.
  • Truy cập không giới hạn sách, truyện, tài liệu học tập và giải trí thú vị, đa dạng, đa lĩnh vực.

Thông tin về Ngân hàng Di sản Tri thức tinh hoa DJC:

  1. Link Web djc.vn
  2. Link Tải App iOS 
  3. Link Tải App Android
  4. Profile HBank
  5. Giải thưởng Brand Review Award

☎️ Hotline: 0369 049 868 | 0335 609 868 

💌 Email: info@djc.vn

Ý kiến (0)