DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Những lầm tưởng phổ biến về việc đọc sách

| 4013 lượt xem | Hồi Hoàng

Những lầm tưởng phổ biến về việc đọc sách

Đọc là một trong những kỹ năng sống cơ bản mà người ta phải học để tồn tại trên đời. Để có được kỹ năng này là một quá trình lâu dài và yêu cầu sự kiên nhẫn cao từ người đọc. Học cách đọc là một quá trình phức tạp. Nó đòi hỏi phải tập hợp nhiều kỹ năng khác nhau để có thể giải mã và hiểu các văn bản mới. 

Nhưng bên cạnh đó vẫn có những suy nghĩ sai lầm về việc đọc sách, hãy cùng DJC tìm hiểu 5 lầm tưởng phổ biến nhất trong bài viết dưới đây.

1. Đọc sách thì sẽ thành công

Đây là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất về việc đọc sách. Trước hết, định nghĩa thành công còn tùy thuộc vào thế giới quan của mỗi người. Và để đạt được thành công, chắc chắn chúng ta phải trải qua quá trình dài để học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm. Trên hành trình đó, sách đóng vai trò như một công cụ, một người thầy, người bạn đồng hành cùng người đọc.

Nhưng, sách không phải là yếu tố duy nhất để chúng ta thành công. Những người thành công thì thường đọc sách và họ đọc có chọn lọc; nhưng ngược lại, người đọc nhiều sách chưa chắc đã thành công. Điều thật sự quan trọng là bạn đã ứng dụng như thế nào sau quá trình đọc của bản thân mình.

2. Đọc một lần là đủ

Nhiều người cho rằng việc đọc sách chỉ cần một lần thôi vì khi đó, bản thân đã có thể nắm trọn kiến thức bao quát của sách. Nhưng điều đó hoàn toàn là sai. Việc đọc một lần duy nhất không thể nào giúp cho bạn nắm kỹ càng được lối tư duy mà tác giả muốn truyền tải, bên cạnh đó còn khiến cho bạn chẳng thể áp dụng thực tiễn được điều gì qua cuốn sách.

Bạn cần đọc lướt nhanh một lần để xác định ý chính và xác định những phần cần đọc kỹ. Đọc lại cẩn thận hơn để bổ sung những lỗ hổng trong kiến ​​thức của bạn. Cách hiệu quả nhất là sau mỗi giờ học là dành ít thời gian hơn cho việc đọc và dành nhiều thời gian hơn để kiểm tra bản thân, sắp xếp và liên hệ các khái niệm và sự kiện, nắm vững các thuật ngữ kỹ thuật, công thức, v.v., không phải xử lý từ ngữ một cách trực quan

3. Cố đọc trọn vẹn một cuốn sách, và theo tuần tự thông thường

Nếu đọc một vài chương sách, bạn không cảm thấy thú vị, thì việc càng cố đọc tiếp sẽ khiến bạn mất hứng. Rồi dần dần bạn sẽ bỏ luôn, không đọc cuốn đó nữa. Hơn nữa, chính vì đọc mãi mà không xong một cuốn sách khiến bạn không thể bắt đầu đọc một cuốn mới.

Bạn có thể chọn bất kì chương nào, hoặc đoạn nào mà bạn cảm thấy hứng thú và khiến cho bạn muốn đọc. Đọc tiếp cho đến khi chán thì thôi. Trong thời gian đọc đó, bạn hãy cố gắng ghi chép lại bất kỳ ý nào thú vị, điều này sẽ khiến cho bạn nhớ kiến thức lâu hơn.

4. Sách thì luôn luôn đúng

Sách được viết nên bởi một nhóm người hay cá nhân, do đó nó chỉ thể hiện được kiến thức trong phạm vi nhất định của tác giả. Mà tác giả cũng là con người, cũng như chúng ta, có thể họ thấy kiến thức này đúng, họ áp dụng và thành công nhưng không có nghĩa với tất cả chúng ta đều làm được như vậy.

Cuộc sống thì luôn luôn phát triển, không ngừng đổi mới nên theo thời gian, những quan điểm trong sách sẽ không còn phù hợp. Vì vậy, nếu bạn không đọc sách thường xuyên và chỉ đọc một thể loại duy nhất thì bạn sẽ không đủ kỹ năng tư duy, phân tích từ đó sẽ bị ngộ nhận “Sách thì luôn luôn đúng”

5. Coi đọc sách chỉ đơn thuần là để tiếp thu kiến thức

Đọc sách chỉ cốt để tiếp thu kiến thức hay với mục đích phát triển bản thân thì dễ đâm ra chán nản. Đọc sách có thể còn là một thú vui, mà đã là thú vui rồi thì phải thích mới làm. 

Đầu tiên để bắt đầu thói quen đọc sách, hãy bắt đầu với những quyển dễ đọc và dễ gây hứng thú. Thêm nữa là hãy luôn để một cuốn sách bên mình. Khi bất chợt có hứng thú là bạn có thể lật giở vài trang ra để đọc.

Đôi lúc bạn sẽ phải đối diện với một chồng sách đồ sộ, với hàng ngàn trang dày kín chữ. Biết được những sai lầm trên, DJC tin rằng bạn sẽ trở thành người đọc thông minh hơn và biết và hiểu những gì bản thân đang đọc.