DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Chúng ta là những người “có ăn có học”?

| 1258 lượt xem | Hồi Hoàng

Chúng ta là những người “có ăn có học”?

Đương nhiên, ai cũng biết sự “man mác buồn” ấy trong bài hát Nỗi buồn hoa phượng rất nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn là cảm xúc chia ly khi phải xa cách bạn bè mỗi khi hè đến của các bạn học sinh tuổi mới lớn.  Đặc biệt với ai đã “lỡ dại” vương vào một mối tình học trò, nghĩ đến cảnh phải xa người mình yêu, lòng sẽ không khỏi buồn man mác. Nỗi buồn ấy ở thời đại này có lẽ không còn nhiều ảnh hưởng đến bầu tâm tư của tuổi học trò nữa. Giờ đây dù không gặp gỡ ở trường, các cô các cậu vẫn có thể nói chuyện với nhau mọi lúc, mọi nơi vì ai cũng có smartphone online 24/24. Hoặc đơn giản, không gặp nhau ở trường thì ta gặp nhau ở… lớp học thêm.

 

Song mùa hè vẫn không hết buồn vì giờ đây các bạn học sinh… không được nghỉ. Những em nhỏ phải đến lớp học hè học trước chương trình để năm sau đuổi kịp bạn bè, rồi  phải ôn thi chuyển cấp như thể thi tuyển sinh đại học, tuyển sinh lớp Mười, tuyển sinh… lớp Một.

Hóa ra, sự học đến nay cũng đã “phát triển” đến mức xâm chiếm gần hết toàn bộ quỹ thời gian của tuổi hoa niên. Đáng lẽ, thời gian đó nên được ưu ái sử dụng để chăm sóc bản thân. Các em không chỉ được nghỉ ngơi thư giãn về thể chất, thể trí mà còn có cơ hội vun vén lại khu vườn tâm hồn của mình. Quá nhiều loại tri thức xa vời vợi đã ào ạt lấp đầy tâm trí của các em, không còn chỗ cho cảm xúc tươi mới, thứ người ta chỉ cần bước ra ngoài vài giờ với một tâm thế thoải mái đã có thể nhặt đầy “túi” mang về.

Những năm gần đây, giáo dục trở thành chủ đề bàn luận nóng hổi trên các diễn đàn, mạng xã hội và chưa có dấu hiệu suy giảm sự lôi cuốn đối với dư luận. Người ta không đồng tình với những thử nghiệm cải cách của các quan chức giáo dục. Liệu dùng từ “thử nghiệm” ở đây có thích đáng hay không khi đối tượng chịu ảnh hưởng của sự thử nghiệm ấy chính là con em của chúng ta. Bất kỳ trải nghiệm nào đều có thể tác động lên nhân cách của các em sau này.

Mùa hè với các em lớp dưới là như vậy, với các em học sinh cuối bậc phổ thông cũng không ít khó khăn vì sắp vào mùa tuyển sinh. Các em đang đứng trước bước ngoặc quan trọng của cuộc đời (ít nhất theo lối nghĩ của đa số người Việt từ lâu nay, rằng chỉ có cánh cửa đại học mới dẫn tới thành công). Mùa hè giờ đây không chỉ có cái buồn man mác mà còn xen lẫn lo âu, phập phồng pha với những mặn đắng, cay xè của mồ hôi, nước mắt, sự mỏi mệt khi nhìn vào cánh cửa tương lai.

Nhà giáo Giản Tư Trung đã viết ở ngay trang đầu dẫn vào cuốn Đúng việc, một cuốn sách của ông đang gây chú ý mạnh mẽ trong thời gian gần đây, rằng:

“…những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội là bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại chân giá trị của nó và có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình…”

Phải chăng, mùa hè của các bạn học sinh đã không còn thơ mộng như thuở ban đầu là dấu hiệu báo rằng chân giá trị của nó đã bị tước đi với nguyên nhân sâu xa là người ta đã làm mất đi một chân giá trị khác của việc học.

Học, hiểu đơn giản là tiếp thu kiến thức, kỹ năng,… từ người khác hoặc từ các phương tiện thông tin hay tự học nhờ kinh nghiệm bản thân. Tất cả đều phải học nên ngay từ khi được sinh ra, người ta đã bắt đầu học từ những thứ đơn giản nhất, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Càng lớn lên con người càng có nhiều thứ cần học hỏi giữa biển tri thức bao la vô tận. Với những người đam mê tri thức, việc học không bao giờ ngừng lại và không bị giới hạn trong bất kỳ không gian nào hay nguồn tri thức nào. Chúng ta học từ người thầy giáo cho đến người lao công, từ người già đến trẻ nhỏ, học ở nhà, ở trường và cả ở lề đường,…

Song, từ lâu ở Việt Nam, các bậc cha mẹ đã có một tư duy hằn sâu trong tâm trí mình rằng chỉ có việc học ở trường mới đáng được coi trọng. Bằng mọi cách, họ buộc con mình đến trường vì họ chỉ tiếp cận rằng con đường đó với những tấm bằng đó mới có thể giúp con cái mình dễ dàng tiến thân sau này.

Ai cũng học và bắt con cái học nhưng không ai chịu ngồi lại suy tư về giá trị và mục tiêu đích thực mà việc học hướng đến. “Học để không phải khổ như bố mẹ”, “học để sau này có việc làm”, “không học thì đi chăn bò”,… những câu nói đu đưa hồn nhiên trên cửa miệng của các bậc phụ huynh càng làm con em mình mù mờ hơn về giá trị đích thực của việc học, khiến những đứa trẻ cảm thấy việc mang lấy tri thức là một gánh nặng.

Người ta vẫn thường truyền nhau những số liệu khiêm tốn về việc lười đọc sách của người Việt. Thật không có gì mâu thuẫn hơn một dân tộc thờ ơ với tri thức như vậy lại bắt con em mình gồng lên mà học. Học ở đây đơn giản chỉ là đến trường và học những gì nhà trường dạy, làm những gì thầy cô bắt phải làm. Ấy thế mà những việc ấy lại không hề rẻ tiền chút nào.

Nghĩ về sự học ở Việt Nam, người ta không thấy nhiều sự say mê, chỉ thấy những gánh nặng trên những đôi vai bé nhỏ. Biển tri thức của nhân loại không chỉ chảy về các trường học nhưng vì guồng quay xã hội mà người ta chỉ có thể đến trường mà thôi. Rồi theo đó, việc học ở trường dần trở thành tiêu chuẩn đánh giá con người, trong khi việc học làm người lại trở thành một môn phụ. Rồi khi bạn làm điều gì chưa phải, người ta lại chỉ vào mặt bạn mà bảo rằng có ăn có học mà thế này thế nọ. Những thứ tréo ngoe ấy có làm trong lòng chúng ta day dứt những câu hỏi rằng rốt cục ở xứ sở này người ta ăn học để làm gì? Tại sao học lại phải gắn với ăn? Hay việc học cuối cùng cũng chỉ là để dễ kiếm ăn mà thôi?

Hãy nhìn những thực trạng ấy và liên tục đặt dấu chấm hỏi nếu bạn thật sự là một người ham hiểu biết, muốn tìm đến tận nguồn chân lý. Nếu bạn trả lời được những câu hỏi ấy, nó sẽ làm thay đổi nhận thức của bạn cho đến một lúc bạn đủ can đảm để kéo con em mình ra khỏi các trường học nhà nước và tự lo liệu lấy tri thức cho chúng cũng như dạy chúng cách sống như một con người chứ không phải một cỗ máy hay một con thú.

Việc học ở Việt Nam có trở lại đúng giá trị chân phương của nó không, tất cả tùy vào lòng can đảm, dám sống vì sự thật của mỗi người. Điều ấy có thể rất lâu sau chúng ta mới đạt được song nếu chỉ ngồi một chỗ mà không hành động thì sẽ chẳng có gì thành tựu cả.