DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

10 bài học về tri thức mà trường học không dạy bạn

| 1268 lượt xem | Hồi Hoàng

10 bài học về tri thức mà trường học không dạy bạn

Tri thức là điều rất quan trọng đối với mỗi người. Người nào càng có nhiều tri thức thì cánh cửa tương lai của họ càng rộng mở. Do đó, hãy học ở đâu có thể học và học bất cứ lúc nào có thể học. Dưới đây là 10 bài học tri thức mà bạn sẽ không thể học được từ trường lớp:

1. Nếu không biết phát triển khả năng cũng như thu thập tri thức chuyên môn, bạn mãi chỉ là một lao động giản đơn. Bạn không thể trở nên giỏi giang và chưa xứng đáng đảm nhận một trách nhiệm quan trọng. Nếu ỷ lại vào người chủ để họ rèn luyện bạn trở thành giỏi giang, bạn cũng phải tốn tiền và như thế bạn phải nhận giúp việc cho họ với một mức lương rất thấp. Bất luận người nào muốn hưởng lương cao cũng phải biết phát triển tài năng và tri thức của mình.

2. Bạn phải biết thu thập, tích trữ những “giá trị” bản thân. Đó là mục đích của một cuộc sống lao động hiệu quả. Những “giá trị” đó là tài năng, là những tri thức có thể dùng, có thể đem bán. Giữa người này với người kia thường tồn tại một sự cách biệt to lớn. Bởi chỉ có một vài người biết thu thập những “giá trị” vô giá, còn rất nhiều người khác lại không đáng giá một xu. Đồng lương chúng ta nhận sẽ tuỳ thuộc yếu tố quan trọng này, đó là công việc mà chúng ta đang làm có nhiều người khác làm được không? Bạn sẽ được trả giá cao hơn nếu công việc đang tiến hành ít người có thể làm được. Đó là lý lẽ thực tiễn để chúng ta thấy cần phải phát triển tài nghệ và tri thức. Bạn phải trở nên có “giá trị”.

3. Cần phải nhắc bạn một điều là có nhiều lương tri và đạo đức thì vẫn chưa đủ. Nó phải là một nền tảng, trên đó người ta có thể phát triển và thành đạt. Dù khả năng đến bậc nào, nếu thiếu lương tri bạn có thể làm hỏng cuộc đời. Tuy thế, trong môi trường doanh nghiệp, trong địa hạt khoa học hay mỹ thuật cũng thế, chỉ có lương tri thôi chưa đủ. Lương tri không thể thay thế những tri thức chuyên môn. Nó chỉ là một cớ rất tiện lợi để cho những người không làm nên trò trống viện dẫn, tự bào chữa cho sự bất lực của họ. Bạn cần có lương tri nhưng cũng cần có nhiều tri thức và tài năng.

4. Có một quy tắc mà những người dưới ba mươi tuổi nên áp dụng là dành nửa thời giờ của mình để học và một nửa để giải trí. Ai cũng cần học, nhưng ai cũng cần giải trí. Giải trí cần thiết nhưng học cũng cần không kém. Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng có sách vở và những lớp học. Bạn nên đi học, nên đọc sách, nên tìm hiểu, nên trưởng thành, vừa học vừa chơi.

5. Công việc bạn làm không quan trọng bằng cách bạn làm. Dù làm một công việc gì bạn cũng phải nghiên cứu trước. Bạn phải làm cho đàng hoàng và làm đến cùng. Một công việc dù đơn giản đến mấy cũng có thể làm khéo léo hay vụng về, làm theo cách khôn ngoan hay ngờ nghệch. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi ít nhiều sự khéo léo. Luôn luôn có một cách hay hơn nữa để làm một công việc. Chỗ kinh doanh hiện giờ sẽ trở nên thành công hơn nếu bạn biết cách làm việc và làm hiệu quả. Nó là bàn đạp để bạn tiến lên một công việc, một chức vụ lớn lao hơn. Hiện giờ, người ta thử bạn, coi có xứng đáng tiến lên cấp trên chăng. Người chủ luôn cho cơ hội để bạn chứng tỏ rằng mình là một người tài giỏi.

6. Bạn chưa nghiên cứu kỹ công việc mình làm tức là chưa học được kỹ thuật và công nghệ của nó. Lúc đó, bạn chỉ được coi như một “tay mơ” hoặc một người máy. Làm việc một cách “tài tử” trong nghề bao giờ cũng hỏng việc, còn người máy chỉ biết làm việc như cái máy, không chút suy nghĩ. Bạn phải nỗ lực để trở nên một người chuyên nghiệp, một tay nhà nghề, sành sỏi. Bạn có thể giữ chỗ làm hiện giờ với đôi chút cố gắng song bạn phải cố gắng làm công việc ấy theo cách hay hơn những người khác đã làm. Đó là cách khôn ngoan để bước chân vào nghề. Đó cũng là cách nâng từ bậc nghiệp dư lên thành người chuyên nghiệp.

7. Bạn nên nhớ kỹ điều này, bất luận trong công việc gì dù nhỏ hay lớn cũng có phần kỹ thuật của nó. Trong mỗi công việc ít ra có ba mươi sáu cách làm vụng về và chỉ có một cách làm hay và khôn ngoan. Trong mỗi bài toán thường chỉ có một lời giải đúng. Chỉ có một cách đánh bản nhạc cho đúng, chỉ có một lối gói hàng cho khéo cũng như chỉ có một lối phục vụ khách hàng hiệu quả. Muốn tìm ra cách đó, bạn phải nghiên cứu công việc mình làm và lắng nghe lời chỉ bảo của những nhà chuyên môn. Bấy luận công việc bạn làm hiện giờ là công việc gì, nó cũng đòi hỏi sự khéo léo. Chỉ khéo vừa vừa chưa phải là khéo. Muốn làm việc hiệu quả, trước hết bạn phải tìm cách làm việc để đạt được nhiều kết quả mà ít hao tốn công sức và thời gian.

8. Bạn phải học hỏi từ những người đã làm nên. Chơi thể thao hay kinh doanh cũng vậy. Giá trị của những lời chỉ bảo còn phải tuỳ ở người cho ta những lời khuyên ấy. Về thể thao, chúng ta nên học hỏi từ những tay vô địch. Về kinh doanh chúng ta nên học hỏi từ những người đã thành công. Không ai có thể dạy ta chơi thể thao hoặc kinh doanh nếu họ chỉ hiểu biết qua sách vở hoặc chẳng làm đến nơi đến chốn. Một giáo sư phải vừa có kiến thức uyên bác vừa có kinh nghiệm thực tiễn thì lời dạy của ông mới có giá trị.

9. Một lỗi lầm thông thường là chúng ta có thói quen hay đánh giá quá cao kinh nghiệm của bản thân. Kinh nghiệm là con dao hai lưỡi, nó vừa giúp nhưng cũng vừa cản trở sự sáng tạo của bạn. Những kinh nghiệm ấy có những khi không giá trị gì cả và lại là những chướng ngại vật, ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta. Giá trị những kinh nghiệm của bạn còn tuỳ nguồn gốc của nó. Nếu bạn chỉ biết một cách mù quáng ý kiến hoặc phương pháp làm việc của đồng nghiệp, thì những kinh nghiệm ấy chỉ làm hại hơn là giúp ích. Khư khư bám víu theo mớ kinh nghiệm, chúng ta không thể giúp mình cải cách hoặc sáng tạo. Biết khai thác những kinh nghiệm nhưng không quá lệ thuộc vào nó, bạn mới có những tiến bộ và sáng tạo.

10. Những kinh nghiệm của bạn vị tất đã có giá trị. Nó có thể gây thiệt thòi và cản trở bạn hơn là mối lợi. Giá trị của nó còn tuỳ khả năng hấp thụ của bạn, tuỳ tri thức và tài giỏi từ những ông thầy dạy bạn. Có người suốt đời lăn lộn trong thương trường mà chẳng bao giờ học được thuật kinh doanh. Những ý tưởng mới mẻ, những phương pháp, những sáng chế mới liên tục ra đời nên kinh nghiệm dễ thành cổ hủ và lạc hậu. Trong thế giới biến chuyển rất nhanh hiện nay, không ai có thể tự hào rằng mình đã có đủ kinh nghiệm. Mọi người đều phải cập nhật cho mớ kinh nghiệm ấy kịp với thời đại.


Nguồn: Baihoccuocsong