Trái tim của bạn ở đâu, kho báu của bạn ở đó
- 10 phút để đọc
Được mệnh danh là cuốn thánh kinh vượt thời đại, “Nhà giả kim” nói tối giản là câu chuyện của kẻ mộng mơ rong ruổi theo giấc chiêm bao của mình. Nhưng như ai đó cũng từng nói: Kết quả của hành trình đôi khi không quan trọng bằng việc người ta tận hưởng và trải nghiệm trong suốt chuyến đi. Cũng như vậy, trong suốt hành trình tôi đọc “Nhà giả kim”, tôi chẳng mong chờ gì về đại kết cục của cậu bé chăn cừu đi tìm kho báu, nhưng tôi tìm được cho mình một kho báu tuyệt vời khác, kho báu của sự tự thấu hiểu: “Hãy cứ nhớ rằng, ở bất cứ nơi đâu cậu tìm thấy trái tim mình, thì cũng sẽ thấy kho báu ở đó.” Liệu kho báu ấy trong cuộc sống hiện đại còn có đang vơi cạn dần?
Kho báu ở đây không đơn thuần là vàng bạc, là những vật chất giá trị mà còn là niềm tin, khát vọng và hạnh phúc mà con người luôn muốn có. Còn trái tim ở đây là một ẩn dụ cho tinh thần ý chí và tình cảm nhiệt huyết của người đi tìm “kho báu” . Nếu tìm được cho mình một tình yêu, một tình cảm mãnh liệt, một ý chí và tinh thần sắt đá và được những điều đó thôi thúc ta sẽ có thể tìm thấy “kho báu” cho cuộc đời mình.
Trái tim vốn là một thứ vật chất mà không tầm thường,
hữu hình nhưng cũng vô hình. Đi tìm trái tim, là tìm cái tình, sự thấu hiểu, sự
sẻ chia, sự đồng cảm. Mở rộng trái tim mình với người khác đã khó, mở rộng trái
tim với chính mình còn khó hơn. Khi “tìm thấy trái tim mình” ấy là lúc con người
tìm thấy bản ngã, tìm thấy những mong muốn ẩn sâu thầm kín, tìm thấy chính con
người mình, những gì ta tin và không tin, những gì ta cần và không cần, những
gì ta thấy đúng đắn và cả những gì ta cho là sai trái, dở tệ. Nói là trái tim
nhưng không có nghĩa là chỉ có cảm xúc bởi nó sẽ dẫn đường, mở lối cho ta, để
ta biết mình cần phải dũng cảm hơn, cần phải quyết tâm hơn, cũng quyết định cho
ta một đường hướng, một lý tưởng để phấn đấu và vươn tới. Đó chính là kho báu
mà vũ trụ ban tặng cho mỗi người.
Trái tim vẫn tồn tại, vẫn đập từng phút giây cớ
sao nói cuộc sống hiện đại có thể làm với cạn? Ngày nay, phương tiện kĩ thuật phát triển rất nhanh,
mọi thứ trở nên vội vã và hào nhoáng. Mỗi giây phút trôi qua, con người tiếp nhận
lượng thông tin khổng lồ về xã hội, công việc, học tập,.... “Kho báu” vốn có được
đem đi giải quyết các vấn đề được cho là cấp thiết. Trái tim đang được đặt trên
máy chạy và bị cuốn theo guồng quay, nhịp thở của của xã hội, bị làm phiền bởi
tạp chất, những cám dỗ, những luồng tư tưởng nhiễu loạn bên ngoài. Khó có thể
thấy một con người hiện đại không hoạt động bởi nếu dừng lại chính họ đang tự
đào thải mình khỏi xã hội. Muốn “kho báu” luôn đầy ắp thì ta nên dành cho mình
một khoảng lặng để tìm lại trái tim mình với “vẹn nguyên” và “ấm nóng” sau những
cuộc chạy đua gam go, khốc liệt. Nói như vậy, chẳng phải những áp lực, guồng
quay xã hội, những thú vui giải trí hào nhoáng, vô bổ đang làm cho con người hiện
đại vơi dần đi “kho báu” của mình.
Một khi ta đã không biết chính bản thân mình muốn gì thì buông xuôi là lựa chọn duy nhất. Thật không may, sự suy thoái này lại được “nâng cấp” thành một triết lý sống: “triết lý nằm phẳng”. “Tang ping” hay “triết lý nằm phẳng” xuất hiện ở giới trẻ Trung Quốc gần đây sau đại dịch Covid, cho rằng ta nên cố gắng để cố gắng không làm gì cả, tất cả công việc, học tập, tương lai, ý chí,... buông xuôi và chỉ cần duy trì mức sống thấp, để thả trôi mọi thứ “thuận theo tự nhiên”, từ đó sẽ có được sự an nhàn và thư thái. Đó nói đúng hơn là “triết lý ngụy biện” cho những “kho báu” đã cạn kiệt. Phải nói, thư thái khác với buông xuôi bởi trái tim lúc ấy không đập đều đặn, có mà chỉ là một trái tim thoi thóp, sống bằng liều thuốc duy trì mang tên biện minh.
Tuy vậy cũng không thể phủ nhận cuộc sống hiện đại
cho con người những phương tiện để trở về với trái tim dễ dàng hơn. Những
nghiên cứu khoa học ngày càng tập trung đi sâu vào việc giúp con người hiểu rõ
bản chất, bản năng, khả năng của mỗi người. Trắc nghiệm tính cách, sinh trắc
vân tay là một trong số đó. Hoặc những liệu trình trị liệu tâm hồn như yoga,
thiền định, trà đạo,... cũng dẫn được nhiều người tiếp cận. Cuộc sống phát triển
cũng có hai mặt lợi hại đòi hỏi con người đến cuối cùng vẫn cần sự tự ý thức, tự
kiểm soát. Nếu buông thả thì dù là xưa hay nay vẫn sẽ luôn có lý do cho “kho
báu” cạn dần.
Mọi vật trên đời đều có sứ mệnh riêng, con người cũng nên vậy, nên hiểu rõ chính mình. Đối với bản thân, tôi tự cảm thấy may mắn vì đã tìm được kho báu nơi trái tim mình. Vậy còn bạn, bạn đã tìm được chưa?
Nguồn : Triethocduongpho